Minimalism sự giản dị và tinh tế thập niên 90
Xuất hiện từ những năm 1970, Minimalism được xem là một nhánh của phong cách đương đại. Nó có ảnh hưởng mạnh mẽ tới các lĩnh vực như thời trang, âm nhạc, nhiếp ảnh, đồ họa,.. và kiến trúc – nội thất cũng không nằm ngoài quy luật ấy.
Phong cách Minimalism (tối giản, tối thiểu) là một phong cách thể hiện những khuynh hướng đa dạng của nghệ thuật, đặc biệt trong nghệ thuật thị giác và âm nhạc mà các tác phẩm được tối giản vể những yêu cầu thiết yếu nhất của nó.
Phong cách tối giản xuất phát trong nghệ thuật phương Tây từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, rõ nét nhất là trong nghệ thuật thị giác với các tác phẩm hội họa của Mark Rothko. Khái niệm này dần dần được mở rộng để bao hàm cả những khuynh hướng trong âm nhạc mà đặc điểm là sự lặp lại, điển hình là các tác phẩm của Steve Reich, Philip Glass và Terry Riley. Phong cách tối giản có nguồn gốc bắt rễ từ sự thuần khiết và cô đọng của Chủ nghĩa hiện đại, được kết hợp với Chủ nghĩa hậu hiện đại và được xem như phản ứng đối ngược lại với Chủ nghĩa biểu hiện trong nội dung cũng như trong bố cục tác phẩm.
Đối với Phong cách bố trí nội thất “Minimalist” hiện nay, đang rất được ưa chuộng bởi sự giản dị và tinh tế trong không gian mà nó mang lại. Phong cách Minimalism nghĩa là sử dụng những đường nét đơn giản, thật ít chi tiết, giảm thiểu đồ nội thất, mọi chi tiết đều có lý trong vị trí của mình. Trường phái này hiện tại đang cực thịnh ở Châu Âu – cái nôi của trang trí nội thất. Phong cách Minimalism ảnh hưởng rất mạnh đến xu hướng trang trí nội thất tại các nước Bắc Âu trong những năm cuối thập kỷ 90 cho đến hiện nay, và có ảnh hưởng khá lớn ở Châu Mỹ. Ở Châu Á, Nhật Bản được xem là bậc thầy của Phong cách hiện đại và tinh tế này và ta có thể tìm thấy âm hưởng của trường phái Minimalism trong hầu hết các công trình kiến trúc Nhật đương đại lẫn truyền thống.
Không gian của kiến trúc tối giản có tính cân bằng, tĩnh tại, thuần khiết được tạo bởi những mảng tường, mảng trần phẳng, đồng nhất với những đường thẳng, hình khối đơn giản, tinh tế để tận dụng ánh sáng tự nhiên nhằm xây dựng khoảng không rộng rãi, hòa hợp với thiên nhiên.
Những món đồ nội thất được sử dụng không chỉ toát lên vẻ hiện đại mà còn phải sở hữu nét gọn gàng trong từng chi tiết thiết kế, đem lại sự cần thiết và hữu dụng nhưng chiếm không gian tối giản nhất.
Các mảng tường trắng được sử dụng rất phổ biến trong Phong cách “Minimalist” như một phông nền nhằm tăng giá trị và sự ấn tượng cho các đồ đạc xung quanh.
Với kiến trúc tối giản, ánh sáng rất quan trọng, nhất là ánh sáng tự nhiên. Ánh sáng tự nhiên luôn biến đổi và làm thay đổi những cảm nhận, cảm xúc của người đứng trong không gian đó, vì vậy, ánh sáng được chủ định trong thiết kế để nhấn mạnh và làm nổi bật hình khối kiến trúc, nội thất hoặc tạo nên những khối sáng, bóng đổ theo ý muốn…
Ảnh- Nguồn Internet
Tổng hợp – Công ty Cổ phần Kiến trúc đa dụng ( SCA.,JSC)